Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng

Tin tức hoạt động của trung tâm

PAPI 2017 – TA CÒN TRẺ LÀ TA CỨ ĐI

MS07_PAPI TRONG TÔI LÀ…
Họ và tên: Nguyễn Thị Thảo
PAPI trong tôi là…
Nếu có ai hỏi bạn “PAPI trong bạn là gì?” Bạn sẽ trả lời thế nào? Còn tôi thì tôi sẽ trả lời rằng PAPI trong tôi là một “cuốn sách”, mà mỗi khi nhớ đến nó tôi sẽ chẳng phải cố rây lọc cái sàng ký ức để nhớ xem mình đã đọc gì trong “cuốn sách” ấy, bởi lẽ những nội dung mà tôi đọc được trong “cuốn sách” PAPI của tôi chúng vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của tôi một cách thật bình thản và hiển nhiên.
Harvey MacKay đã từng nói: “Our lives change in two ways :through the people we meet and the books we read.” (Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc.) Thật vậy, khi tham gia khảo sát PAPI thì đồng nghĩa với đó bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ thêm rất nhiều người bạn mới, đó là những người mà bạn mới quen khi liên lạc để đi cùng đến địa điểm khảo sát, những người bạn lần đầu gặp tại buổi tập huấn,… bên cạng đó thì bạn cũng sẽ quen biết thêm rất nhiều các anh/chị trưởng/phó đoàn nữa, các anh/chị ấy đều là những người rất nhiệt huyết, chuyên nghiệp, chu đáo và dễ thương, tiếp theo nữa là bạn sẽ có dịp gặp gỡ và trao đổi với rất nhiều người dân, đó có thể là một bác cựu chiến binh, một cô người dân tộc ít người hoặc cũng có thể là một anh làm nghề nông,… những ý kiến mà họ chia sẻ đều góp phần tạo nên sự thành công cho khảo sát PAPI. Với cá nhân tôi có thêm nhiều bạn mới, quen biết thêm các anh chị trưởng/phó đoàn được trao đổi với rất nhiều người dân tôi đã học hỏi thêm được rất nhiều điều, đó không phải là những lý thuyết khô khan mà là những bài học rất gần gũi, rất thực tế mà không phải sách vở nào cũng có, khi tôi băn khoăn về một vấn đề gì đó liên quan đến học tập, đến chuyên ngành thì những người bạn học cùng ngành mà tôi quen khi tham gia PAPI luôn là những người tôi nghĩ đến đầu tiên và tất nhiên họ luôn đưa ra cho tôi những câu trả lời rất hay mà tôi không nghĩ ra, ở họ tôi học được rất nhiều cái nhìn đa chiều về một vấn đề, hay nếu như khi tôi có vấn đề khúc mắc trong quá trình làm việc thì một người trưởng đoàn tâm lý luôn là người tôi nghĩ đến đầu tiên để có thể tâm sự, tôi học được ở chị sự điềm tĩnh để giải quyết vấn đề, rằng mọi chuyện đều có cách giải quyết, một anh phó đoàn vui vẻ, hoà đồng sẽ luôn là một người mà tôi có thể học thêm được từ anh ấy rất nhiều thứ hay ho ngoài những giờ phỏng đấy nhé, và khi phỏng vấn người dân tại các địa phương khác nhau tôi cũng học được rất nhiều như là: các từ ngữ địa phương, văn hoá từng vùng, các vấn đề tại địa phương đó,… Tôi đã lớn hơn, trưởng thành hơn khi được may mắn gặp được rất rất nhiều người như thế đấy.
Sau ba năm tham gia PAPI từ năm 2015 đến năm 2017 tôi cũng có cho mình một số kinh nghiệm cho riêng mình, và bây giờ tôi sẽ chia sẻ chúng cho các bạn đã và sẽ tham gia PAPI trong thời gian tới nhé: Thứ nhất, là để bắt đầu một cuộc trao đổi phỏng vấn thật cởi mở mà thoải mái thì các bạn đừng quên nở một nụ cười thật thân thiện với người dân mà bạn phỏng vấn nhé vì thông thường khi mới gặp một người lạ thì đa phần mọi người sẽ có tâm lý cảnh giác, không an toàn, và có một chút e ngại phải không? Nếu bạn mỉm cười để làm quen với người đó thì sẽ làm tan biến cái tâm lý đang hiện hữu trong đầu người trả lời phỏng vấn và khi người ta đáp lại bạn cũng bằng một nụ cười thân thiện thì bạn đã có thể bắt đầu cuộc phỏng vấn rồi! Thứ hai, thái độ trung lập của bạn với tất cả các câu trả lời của người dân là vô cùng quan trọng, bởi lẽ, khi bạn tỏ thái độ dù là đồng tình hay không đồng tình với câu trả lời của người dân thì đều gây ảnh hưởng đến những câu trả lời tiếp theo của họ, vậy để có một thái độ trung lập nhất thì bạn hãy luôn tâm niệm rằng: ”mình là một ”máy hỏi thông minh” luôn lắng nghe và ghi nhận nhận ý kiến một cách khách quan nhất” tôi vẫn luôn coi đây là một ”câu thần chú” hiệu nghiệm nhất với bản thân mình. Cuối cùng, một kinh nghiệm nhỏ nữa là về địa điểm phỏng vấn, để không bị nhầm địa điểm phỏng vấn thì ngoài cách viết ra giấy, hỏi trưởng/ phó đoàn,… thì các bạn có thể xem tên của địa điểm khảo sát ở những bằng khen có treo tại hội trường thôn/ấp hoặc cách khác là các bạn hỏi người phỏng vấn để kiểm tra lại như thế là chính xác nhất. Tất nhiên, vẫn còn rất rất nhiều kinh nghiệm khác nữa mà trong thời gian tới nếu có cơ hội được tham gia PAPI thì không chỉ bản thân tôi mà còn cả các anh/chị và các bạn đã từng tham gia PAPI cũng sẽ sẵn sàng chia sẻ chúng với các bạn những người đã và sẽ tham gia vào ”đại gia đình” PAPI chúng tôi nhé!